Người giữ lửa

Người giữ lửa
Bài dự thi kể chuyện: HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM 2019
Bác Hồ - Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại
Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân
Mãi ngàn đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam
 
          Bác không còn nữa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người vẫn sống mãi với non sông, đất nước và nhân loại cần lao trên thế giới. Cả cuộc đời của Bác là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
          Hiểu được tầm quan trọng đó, Bộ chính trị đã có chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính Trị về việc “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và kế hoạch số 03 – KH/TW ngày 25/07/2016 của Ban Bí Thư về thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điển hình cho việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tôi xin kể về cô Bùi Thị Hoa
Cô Bùi Thị Hoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em. Bố mất sớm, một mình mẹ bươn chải nuôi bốn chị em ăn học. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng các anh chị em của cô đều cố gắng ăn học và có nghề nghiệp ổn định. Cô nói:
  • Nhớ lại hồi bé, mẹ đi làm xa, bốn chị em ở nhà tự lo lắng mọi thứ. Ngoài giờ học, chị em phân công nhau ra làm các công việc khác. Giờ nghĩ lại, sao độ ấy mà khổ đến thế!
 Chính hoàn cảnh như vậy đã là động lực giúp cô vượt lên. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT, cô chọn cho mình con đường làm nghề giáo. Cô đã thi và đỗ vào trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô được nhận công tác vào một trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ, hình ảnh quê hương “ Rừng lá” luôn trong suy nghĩ của cô. Và rồi, cô quyết định rời bỏ chốn đô thị phồn hoa – nơi mà mọi người hằng mơ ước -  để trở về với mảnh đất nơi mình sinh ra và gắn liền với nó.

Khi về với ngôi trường THCS Xuân Hòa, cô được phân công dạy  bộ môn Lịch sử. Đúng như ước mơ ngày bé của mình, cô đã được trở về công tác nơi quê hương và giảng dạy bộ môn mình yêu thích. Cũng từ ngày đó mà bao em nhỏ vùng “ Rừng lá” lại có thêm những giờ học lịch sử sinh động, hấp dẫn.
Với cái nhìn ban đầu, có lẽ ai cũng có cảm nhận giống như tôi về cô: một cô giáo niềm nở, hoạt bát, giọng nói dịu dàng. Người phụ nữ ở độ tuổi U 50 ấy luôn là tấm gương cho học sinh noi theo.

Với công việc, cô rất nhiệt tình, hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Cô luôn tìm tòi mọi phương pháp mới để đưa vào tiết dạy của mình. Vì vậy, mỗi lần có tiết Lịch sử của cô, học sinh đều rất hứng thú. Những lời giảng trầm lắng của cô đi vào tâm hồn các em, để các em tự hào và yêu thêm đất nước, quê hương mình. Từ đó, các em có động cơ và thái độ học tập tốt hơn. Vì thế, chất lượng giảng dạy của cô năm nào cũng vượt chỉ tiêu Nhà trường đưa ra.

Cô tâm sự: “ Với học sinh, có rất nhiều đối tượng khác nhau. Tùy từng đối tượng để giáo viên có những phương pháp khác nhau”. Chính cái TÂM đó đã giúp cho cô giáo dục được học sinh dù có cá biệt đến nhường nào!

Với học sinh nghèo, cô đến hỏi thăm, động viên, may quần áo mới cho các em. Chính vì những nghĩa cử đó của cô mà phụ huynh trao hết niềm tin, gửi gắm con em mình cho cô.
Bản thân cô là một giáo viên cốt cán trong bộ môn Lịch sử của trường, của huyện. Cô đã dẫn dắt thành công đội tuyển học sinh giỏi nhiều năm liền và đưa vinh dự về cho trường, huyện. Theo cô: Việc giáo dục Lịch sử cho học sinh rất quan trọng “ Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với niềm say mê đó, mới đây, cô đã hướng dẫn các em học sinh dự thi “ Nhà sử học nhỏ” và đạt giải nhất cấp Huyện, đội tuyển học sinh giỏi Sử thi tỉnh đậu 100%. Cô đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm bản thân về phương pháp cũng như kiến thức cho giáo viên trong toàn trường. Chính vì vậy, nhắc đến tên cô, ai ai cũng nể phục.

Không những giỏi về việc nước, cô còn đảm cả việc nhà. Cô là mẹ của hai cô con gái có bề dày thành tích cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Cô chia sẻ về phương pháp dạy con khiến ai cũng cảm phục: Con học, mẹ cũng học. Mẹ ngồi cạnh con, động viên con học. Mẹ chia sẻ với con những vấn đề con vướng mắc khi con cần. Khi con đi ngủ, mẹ mới đi ngủ. Quả cô đúng là:
“ Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”

Chính vì vậy, hai cô công chúa của cô vừa xinh xắn, vừa dễ thương, ngoan ngoãn, lại vừa học giỏi. Điều đó mà bậc làm cha, làm mẹ nào cũng hằng mong đợi.

Không những thế, cô còn là một người vợ đảm đang, một người con dâu hiếu thảo. Bản thân công việc ở trường cũng đủ làm cho giáo viên chúng tôi đau đầu bởi luôn bận rộn với hồ sơ, giáo án. Thế nhưng, đối với cô, cô sắp xếp công việc của mình một cách có khoa học để lúc nào cũng trôi chảy kể cả việc nhà lẫn việc trường. Hằng ngày, cô dậy từ rất sớm để chuẩn bị những thứ cần thiết cho cả gia đình trong một ngày sinh hoạt rồi mới đi làm công việc của mình. Chính vì thế, chồng cô- một giáo viên cùng trường- mới có một chỗ vững chắc để yên tâm công tác. Thầy cũng là giáo viên đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm liền. Đã nhiều lần, thầy đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh trao Bằng khen và đạt Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Điều đó phải kể đến hậu phương vững chắc như cô.

Gia đình của cô là gia đình có ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà nhưng luôn luôn ấm cúng và tràn ngập tiếng cười bởi cô luôn là người “ giữ lửa”. Cô luôn dạy con biết lễ độ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, yêu thương mọi người xung quanh mà chính cô là tấm gương để con noi theo. Đối với bố chồng, cô chăm sóc tận tình, chu đáo, đối xử như cha mẹ đẻ của mình. Theo cô kể: Hàng ngày, dù việc lớn hay nhỏ, ông đều tâm sự với cô để cô chia sẻ. Vì thế mà ông còn thương cô hơn chính cả con đẻ của mình.  Nhiều lần ngồi nói chuyện với chúng tôi, chồng cô vừa cười, vừa kể: Nhiều lúc bà xã đi vắng, ông nội cứ đi ra đi vào hỏi hoài. Còn mình, ông chẳng thèm hỏi gì cả. Thế mới biết, bố chồng thương cô như thế nào?Cũng vì vậy mà cô luôn đón nhận được từ gia đình tình yêu thương trìu mến.
 
Ngoài giờ lên lớp, thời gian rảnh rỗi, cô trồng rau, nuôi gà, bồ câu để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Dường như đối với cô, không có thời gian nào bỏ phí. Cô tận dụng mọi thời gian để làm mọi việc. Chính vì sự cố gắng của gia đình, trong đó một phần không kể là ở cô nên cuối năm 2015, gia đình cô đã hoàn thành một ngôi nhà khang trang, năm 2018, gia đình cô đã mua được một chiếc xe đúng như cô hằng mong đợi!
 gia đình cô hoa
Đối với bản thân tôi, công tác chủ nhiệm có thể nói rất bở ngỡ bởi từ lâu tôi không nhận công tác này. Nhưng rất may mắn cho tôi có cô- người luôn luôn sẵn sàng chia sẻ những gì tôi cần. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có cô, người chị, người thân luôn chia sẻ, động viên tôi. Tôi cũng tự hào vì mình có người đồng nghiệp như cô để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy.  Đặc biệt ở cô, tôi còn nhận thấy bản thân mình cần phải tìm  hiểu kĩ từng đối tượng học sinh để rồi nắm bắt tâm tư tình cảm của các em. Tôi còn nhận ra vai trò to lớn của người mẹ trong gia đình và trong việc học hành của con cái để từ đó bản thân tôi thực hiện đúng vai trò của mình. Đặc biệt, qua tấm gương của cô, tôi tự soi vào và nhận thức về mình “ Sống là cho, đâu chỉ nhận riên mình”. Cảm ơn cô, cảm ơn tất cả những gì cô đã dành cho tôi. Tôi mong rằng, tổ ấm của cô luôn luôn tràn ngập tiếng cười bởi ở đó có cô- một người con, người vợ, người mẹ mẫu mực. Cô xứng đáng với danh hiệu “ giỏi việc nước, đảm việc nhà” và là tấm gương sáng để đồng nghiệp chúng tôi noi theo!

Tác giả bài viết: Phạm Thị Hoài Thương