Nguồn sách cho thư viện trường học: “Xã hội hóa” - yếu tố sống còn

Nguồn sách cho thư viện trường học: “Xã hội hóa” - yếu tố sống còn
(GD&TĐ) - Để nâng cao chất lượng giáo dục thì công tác thư viện tại các nhà trường có vai trò quan trọng. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt khi tìm nguồn sách cho các thư viện nhằm phục vụ tốt giáo viên và học sinh.
Nguồn sách chính thống

Các thư viện trường học hiện có vai trò cung cấp cho giáo viên và học sinh đầy đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ và các loại tài liệu khác nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của nhà trường. Hàng năm, các thư viện trường học luôn bổ sung tài liệu mới làm cơ sở cho việc phục vụ bạn đọc.

Việc bổ sung tài liệu đưa vào thư viện trường học phải theo đúng danh mục tài liệu được Bộ GD&ĐT phê duyệt hàng năm. Vốn tài liệu của mỗi thư viện trường học được chia thành 3 bộ phận: sách giáo khoa, sách nghiệp vụ giáo viên và sách tham khảo.

Các trường phấn đấu đạt 5 bản sách/1 học sinh và 20 bản sách/1 giáo viên. Một trong những cách thức để nâng cao chất lượng thư viện đó là các nhà trường phải đồng bộ đổi mới về công tác thư viện trong đó có việc tăng các đầu sách và số lượng sách. Tuy nhiên nếu chỉ huy động nguồn kinh phí từ ngân sách để tăng thì còn nhiều hạn chế.

Là một trong 62 huyện nghèo trên cả nước nhưng Phòng Giáo dục huyện Tân Sơn (Phú Thọ) dành nhiều ưu tiên cho việc phát triển công tác thư viện. Chuyên viên Phòng GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Cho đến nay, 34 trường tiểu học và THCS đã có thư viện đạt chuẩn. Thư viện tại các trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng đọc; các đầu sách phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Song song với đó là công tác nghiệp vụ thư viện, công tác quản lý thư viện và các hoạt động đọc sách với những hình thức khá phong phú. Để đảm bảo và duy trì công tác thư viện, sách được huy động từ nhiều nguồn.

Trước hết là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước của các trường. Sách còn được quyên góp từ các tổ chức từ thiện, từ quỹ công đoàn, từ các đơn vị cá nhân. Chính vì được huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ nên tuy là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng sách của GV và HS khá phong phú.

Cụ thể, Trường Tiểu học Minh Đài với trên 400 HS nhưng có tới 2.188 quyển sách giáo khoa, 650 sách nghiệp vụ, 1.203 sách tham khảo, 1.380 quyển truyện và 4 đầu báo. Trường THCS Thu Ngạc cùng trên 400 HS với 2.156 quyển sách giáo khoa, 633 sách nghiệp vụ 1.706 cuốn sách tham khảo và 4 đầu báo. Thư viện các nhà trường được mở thường xuyên để phục vụ cho GV và HS đến mượn sách và nghiên cứu. Hàng tuần, các trường còn tổ chức các giờ đọc báo trên loa cho HS toàn trường cùng nghe.

Cô Phạm Đàm Thục Hạnh, chuyên viên của phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Sách tại thư viện các nhà trường được đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước bằng 2% tổng kinh phí hàng năm của trường. Bên cạnh đó là nguồn xã hội hóa từ phụ huynh và HS theo nhiều đợt hàng năm. Đặc biệt đối với HS khi huy động quyên góp, nhà trường cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể theo chủ đề, chủng loại và chất lượng sách. Chính vì vậy, chất lượng các đầu sách tại các thư viện trường không những có số lượng khá dày dặn và chất lượng khá tốt, sách được cập nhật thường xuyên. Đầu sách theo tiêu chí chuẩn đối với tiểu học là 4 cuốn/HS và 3 cuốn/HS đối với THCS.

Như vậy với những cơ sở giáo dục quan tâm tới công tác thư viện thì hoạt động thư viện của các nhà trường sẽ đi vào thực chất. Bên cạnh vấn đề đội ngũ cán bộ thư viện được chuyên trách thì đầu tư đầu sách phong phú về chủng loại, phù hợp lứa tuổi và cập nhật hàng ngày sẽ thu hút HS đến đọc sách tại thư viện hơn.

Tác giả bài viết: Thu Trà

Nguồn tin: baomoi.com